Thúc đẩy ngành cơ khí phát triển

Ngành cơ khí vẫn được ví như xương sống của nền kinh tế, là nền tảng và động lực hỗ trợ các ngành công nghiệp khác phát triển. Điều này có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Mặc dù đạt được một số thành tựu, song công  nghiệp cơ khí chế tạo của Việt Nam vẫn phát triển chậm, thậm chí là tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế. Nguyên nhân ngành cơ khí không thể ” bật lên được” trong thời gian qua là do vướng phải nhiều điểm nghẽn. Cụ thể, điểm nghẽn về thị trường, bất kỳ ngành sản xuất nào cũng cần có thị trường để tiêu thụ và trước hết là thị trường nội địa nhưng tại Việt Nam hiện vẫn chưa thể đưa ra những biện pháp phù hợp để bảo vệ và khai thác thị trường nội địa cho ngành cơ khí.

Điểm nghẽn tiếp theo là từ các yếu tố vi mô là năng lực của doanh nghiệp. Theo đó, trình độ quản trị – sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đa phần còn thấp, sau hơn 20 năm phát triển vẫn không có nhiều doanh nghiệp đạt trình độ quản trị sản xuất – kinh doanh tiệm cận thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 3 và ở rất xa thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ngoài ra, việc đầu tư, đổi mới công nghệ trùng lặp, phân tán gây lãng phí và hiệu quả sản xuất kinh doanh kém. Để xây dựng công nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam không thể chỉ là nhiệm vụ riêng của các doanh nghiệp cơ khí phải tự vươn lên để cạnh tranh tồn tại theo điều tiết thị trường của “bàn tay vô hình” mà các doanh nghiệp cơ khí luôn cần có “bàn tay hữu hình của Chính phủ” để làm bàn đỡ thông qua hệ thống chính sách như các nước đã và đang thực hiện.

Nhìn lại những bất cập tồn tại của ngành cơ khí hiện nay, để đưa ngành cơ khí Việt Nam đứng vững hơn nữa thì chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ khí trong nước là việc hết sức cần thiết. Để đạt được mục tiêu trong Chiến lược phát triển ngành cơ khí đến năm 2035 theo Quyết định 319/QĐ-TTg ngày 15/03/2018 của Thủ tướng Chính phủ thì một số cơ chế chính sách khuyến khích và hỗ trợ cần xem xét như sau:

Trong đó, xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có lộ trình đến năm 2035, với mức thuế suất với các lô hàng, sản phẩm xuất khẩu đến năm 2025 là 0% từ năm 2025 đến năm 2030 là 5%, sau năm 2030 là 10%. Xem xét giảm tiền thuê đất có lộ trình đối với các cơ sở chế tạo: Miễn tiền thuế đất trong vòng 10 năm đầu tiên với các cơ sở thiết lập mới, giảm một phần tiền thuê đất đối với các cơ sở thiết lập mới sau 10 năm và các cơ sở chế tạo đã được thiết lập đang hoạt động. Đặc biệt, cần ban hành nghị định quy định tất cả hàng hóa, thiết bị vật tư mà các doanh nghiệp cơ khí trong nước sản xuất được phải sử dụng trong nước, không cho phép nhập khẩu áp dụng với tất cả nguồn vốn đầu tư (Nhà nước, tư nhân, đầu tư nước ngoài,…). Về tín dụng, ngân hàng xem xét các gói tín dụng ngân hàng với lãi suất thấp, ổn định áp dụng cho vay dài hạn để đầu tư các cơ sở vật chất và ngắn hạn sử dụng để vận hành sản xuất, chế tạo.

Muốn thành công thì phải đi từ nhỏ đến lớn, với những tiềm năng ngày càng lớn khi Việt Nam trong mắt các nước trong khu vực đang dần vươn mình thành “con Rồng Châu Á” thì việc doanh nghiệp tự khắc phục những khó khăn, Chính phủ quan tâm thì chắc chắn sẽ đạt được những thành công lớn.

Leave A Comment