Cùng nhìn lại ngành cơ khí – tự động hóa Việt Nam trong 10 năm 2010-2019
Trong suốt 10 năm qua, ngành công nghiệp nói chung, phát triển cơ khí -tự động hóa nói riêng được coi là xương sống của nền kinh tế. Trong chiến lược khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020, chế tạo máy, tự động hóa là một trong 4 hướng công nghệ ưu tiên, bên cạnh công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ môi trường. Nhóm cơ khí – tự động hóa đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, ở nhóm sản phẩm quốc gia, một số sản phẩm đã có tính ứng dụng thực tế, phục vụ nhiều công trình quan trọng và nâng cao giá trị kinh tế. Trong khi đó nhóm công nghệ sản xuất linh hoạt cũng đã có những sản phẩm thương mại hóa. Cùng với nhóm sản phẩm mang tính ứng dụng cao cho công nghệ, công nghiệp nặng, nhóm cơ khí – tự động hóa cũng đạt được một số thành tựu nhất định ứng dụng cho lĩnh vực công nghiệp. Từ đó ứng dụng khoa học công nghệ khiến cho nhiều phần việc cơ khí trở lên đơn giản, có tính khả thi cao so với cách làm truyền thống. Nhờ đó thời gian sản xuất được rút ngắn và nâng cao hiệu quả kinh tế. Đây cũng là mong muốn chung của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực, tuy nhiên thực tế của ngành cơ khí – tự động hóa còn nhiều vấn đề cần giải pháp tháo gỡ.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn tồn tại những thực tại về sự chậm tiến của cơ khí – tự động hóa cũng như các chính sách có liên quan. Tính tự động hóa còn rất ít, các doanh nghiệp chưa thể tự động hóa hoàn toàn mà mới chỉ được một số quá trình. Những gì có thể tự động hóa toàn bộ đều là sản phẩm mua từ nước ngoài. Sự không ổn định trong chính sách chung là yếu tố khiến ngành cơ khí – tự động hóa trồi sụt.
Hiện Việt Nam đang có hơn 25.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, trong đó có khoảng hơn 1/3 doanh nghiệp là nội địa. Xuất khẩu đạt gần 20 tỷ USD mỗi năm nhưng mới đáp ứng được 30% nhu cầu nội địa. Trong khi đó, chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do Thủ Tướng chính phủ phê duyệt đã xác định đẩy mạnh công nghiệp tiên tiến, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, sản lượng xuất khẩu đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp hóa 4.0 ngày càng trở lên bức thiết hơn cùng với việc kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với các hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU), CP TPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương),… chính là điều mà chúng ta càng phải nâng cao hơn nữa năng lực của các ngành công nghiệp, nhất là cơ khí chế tạo trong 10 năm của thập kỷ tiếp theo.
Nguyễn Hồng Nhung